Giá trị Khỉ vàng

Một con khỉ vàng bị giết ở Việt Nam

Khỉ vàng thường được nuôi làm cảnh ở nhà riêng, nhà hàng, khách sạn hoặc các cơ sở kinh doanh khác[12]. Được sử dụng trong sản xuất vacxin chống bệnh bại liệt trẻ em, làm vật mẫu, đối tượng nghiên cứu khoa học. Khỉ vàng được lựa chọn là đối tượng nghiên cứu của các đề tài khoa học cũng như kiểm định chất lượng, thử nghiệm tiền lâm sàng nhiều sản phẩm sinh học và văcxin. Năm 1962, đảo Rều được Bộ Y tế đầu tư thành trại nuôi khỉ để nghiên cứu y học phục vụ sản xuất các loại văcxin phòng bại liệt, viêm gan A, thuốc phòng chống virút H5N1. Người ta dùng tế bào thận của loài khỉ vàng để điều chế các loại văcxin giúp khống chế nhiều bệnh tật truyền nhiễm nguy hiểm[7].

Những con khỉ được lựa chọn sẽ được nuôi cách ly và kiểm tra xác nhận không có mầm bệnh, đưa về Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất văcxin và sinh phẩm y tế (POLYVAC). Sau đó, những chuyên gia tại đây sẽ phẫu thuật lấy thận, tách các tế bào thận riêng rẽ để nuôi cấy trên các chai thủy tinh bằng môi trường phát triển, khi tế bào đã phát triển phủ kín một lớp trên bề mặt chai sẽ được gây nhiễm chủng virút polio đã giảm độc lực. Chủng virút này nhân lên trên tế bào, trưởng thành và giải phóng ra khỏi tế bào tạo thành hỗn dịch văcxin bại liệt bán thành phẩm đơn type. Khi sản xuất văcxin thành phẩm sẽ tiến hành phối trộn ba type virút, bổ sung chất bảo quản, lọc vô trùng và đóng lọ để trở thành văcxin thành phẩm.

Nhiều thế hệ khỉ đã góp công lớn cho sự nghiệp nghiên cứu, phát triển y học Việt Nam. Nhờ sự cống hiến của giống khỉ vàng, dịch bệnh bại liệt tại Việt Nam đã bị đẩy lùi. Khỉ vàng là nguồn nguyên liệu đầu để sản xuất hàng chục triệu liều văcxin bại liệt mỗi năm, góp phần vào việc thanh toán hoàn toàn bệnh bại liệt tại Việt Nam vào những năm 2000. Mỗi con khỉ chiết được gần một triệu liều vắc-xin giúp trẻ em thoát khỏi nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Vì cơ địa khỉ vàng gần giống với con người, nên trong những năm gần đây khỉ vàng lại là vật thí nghiệm để thử phản ứng các loại vắc-xin H5N1, H1N1 trước khi tiêm vào con người[5]. Trên đảo Rều, người dân ở đây vẫn trìu mến gọi bằng cái tên “Hoa quả sơn”, người ta còn khắc tấm bia ghi nhớ sự đóng góp của khỉ vàng cho sự nghiệp y tế Việt Nam[4] với dòng chữ: “Đảo Khỉ, nơi chăn nuôi và cung cấp khỉ vàng Macaca Mulatta cho nghiên cứu y học và sản xuất vaccin”. Vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, tất cả cán bộ trên đảo cùng lên đó thắp hương, rồi đứng mặc niệm[5].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khỉ vàng http://www.gibbons.de/main/papers/pdf_files/2004as... http://www.vncreatures.net/chitiet.php?page=1&loai... http://vnexpress.net/photo/thoi-su/dao-nuoi-khi-hi... http://www.iucnredlist.org/details/12554/0 http://www.thiennhien.org/loai-linh-truong/khi/khi... http://www.baoquangninh.com.vn/xa-hoi/phong-su/201... http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/28743602-na... http://kiemlamangiang.gov.vn/medicinalplants.aspx?... http://m.nguoiduatin.vn/tiet-lo-bi-mat-cua-khi-chu... http://suckhoedoisong.vn/vao-noi-te-thien-dai-than...